html

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Quy hoạch khu KT Cửa khẩu Long An: Chú trọng tính chất đặc thù để phát huy thế mạnh

TYL - Với nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển, sau hơn 4 năm thành lập, Khu kinh tế Cửa khẩu Long An (KKTCK) đã có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Long An và vùng ĐBSCL. Để phát huy mọi tiềm năng thế mạnh; đồng thời tạo sự đồng bộ, thống nhất về không gian phát triển, tạo điều kiện tối ưu cho hoạt động đầu tư xây dựng vào KKT, việc lập quy hoạch chung xây dựng KKTCK Long An rất cần thiết. Đây là nội dung của Hội nghị thẩm định Quy hoạch chung KKTCK Long An đến 2030, vừa diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh.


Xây dựng KKTCK vừa phải
Tổng quan về KKTCK Long An, đại diện tư vấn (Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia) cho biết: KKTCK Long An, tỉnh Long An được thành lập theo Quyết định 07/2010/QĐ-TTg ngày 25/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là một đầu mối vận tải và là một trạm trung chuyển hàng hóa bằng đường thủy (sông Vàm Cỏ Tây) và đường bộ (QL62, QLN1, Tỉnh lộ 831, 831c) giữa Campuchia, TP.HCM và các tỉnh vùng ĐBSCL.
Đơn vị tư vấn cho biết, đồ án Quy hoạch chung KKTCK Long An đã rút kinh nghiệm từ những dự án cửa khẩu kinh tế khác để quy hoạch phát triển vừa phải, tập trung đầu tư có mức độ nhằm phát huy lợi thế.
Do đó, đồ án đã đưa ra các căn cứ pháp lý lập quy hoạch, khẳng định mục tiêu, nhiệm vụ; bên cạnh đó, có đánh giá phân tích hiện trạng điều kiện tự nhiên, nội lực, ngoại lực làm nổi bật điểm mạnh và điểm yếu của KKTCK.
Quy hoạch đã đề xuất quy mô, ranh giới, tính chất các khu vực xây dựng với tính khả thi cao nhằm đẩy mạnh quá trình đô thị hóa (với hạt nhân là thị xã Kiến Tường, theo lộ trình sẽ trở thành đô thị loại III vào năm 2020).
Đồng thời, đồ án đề xuất phương án tổ chức hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với đặc trưng địa hình, dân cư và các kịch bản phát triển kinh tế. Theo đó, KKTCK Long An có diện tích tự nhiên toàn khu vực là 13.080 ha, có 1 cửa khẩu quốc tế Bình Hiêp và 1 cửa khẩu phụ Long Khốt. Dự báo quy mô dân số đến 2020 khoảng 58 nghìn người và 2030 khoảng 105 nghìn người.
Mục tiêu phát triển không gian KKTCK Long An thành một cực kinh tế về công nghiệp, thương mại, dịch vụ của vùng ĐBSCL. Hình thành khu quản lý, kiểm soát cửa khẩu và khu phi thuế quan tại 2 cửa khẩu Bình Hiệp và Long Khốt, đảm bảo quản lý và khai thác tốt lợi thế về cửa khẩu, đồng thời đảm bảo an ninh quốc phòng, hấp dẫn các nhà đầu tư. Ngoài ra, sẽ hình thành khung giao thông KKTCK Long An; phát triển chuỗi đô thị trong KKTCK; hình thành trung tâm du lịch sinh thái hấp dẫn…
Từ mục tiêu, nhóm tư vấn đã đưa ra 3 giải pháp cho KKTCK Long An. Đó là, với giải pháp thúc đẩy kết nối, giao thương; khai thác tối đa lợi thế sẵn có và tổ chức không gian thân thiện.
Với các định hướng phát triển như tư vấn đề ra trong đồ án, KKT Cửa khẩu Long An sẽ trở thành cầu nối mở rộng giao thương Việt Nam - Campuchia, một trong những điểm sáng về quan hệ kinh tế đối ngoại quốc tế giữa Việt Nam - Campuchia; đồng thời là một cực tăng trưởng quan trọng của vùng biên giới Tây Bắc tỉnh Long An.
Cần xác định lợi thế để phát triển
Nhận định về đồ án quy hoạch chung này, Hội đồng thẩm định đánh giá cao về sự công phu, tính logic và đưa ra các giải pháp phù hợp thực tiễn nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng, tỉnh.


Bên cạnh đó, hội đồng đóng góp một số ý kiến để đồ án được hoàn chỉnh hơn như: Phải dự báo được tỷ trọng kinh tế tỉnh Long An trên cơ sở tác động của KKTCK này; cần hình thành các tiêu chí đánh giá lựa chọn phương án tối ưu nhất; xem xét đến các vấn đề rủi do trong các phương án.
Ngoài việc nhấn mạnh quy hoạch các tuyến giao thông huyết mạch, đồ án cần quan tâm đến ảnh hưởng biến đổi khí hậu và nước biển dâng để quy hoạch phù hợp các khu đô thị.
Ý kiến từ Bộ Công Thương và Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng: Đồ án cần có sự so sánh các KKTCK có mặt mạnh và yếu gì trong quá trình cạnh tranh. Đồng thời, phải kết hợp du lịch gắn với nông nghiệp sinh thái để đồ án được triển khai khả thi hơn và cần tham khảo thêm KKTCK Hà Khẩu (Trung Quốc) để học tập mô hình cho đô thị Kiến Tường.
Theo Bộ TN&MT, lĩnh vực sử dụng đất cần lưu ý thêm về các căn cứ pháp lý hiện hành. Mặc dù trong đồ án cũng có kế hoạch phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn, nhưng để đảm bảo căn cứ pháp lý trong quá trình xây dựng, phát triển KKTCK phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Long An đã được Chính phủ phê duyệt…
Mặc dù trong đồ án cũng có kế hoạch phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn, nhưng để đảm bảo căn cứ pháp lý trong quá trình xây dựng, phát triển KKTCK phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Long An đã được Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, đồ án cần nêu bật sự kết hợp du lịch gắn với nông nghiệp sinh thái để việc triển khai khả thi hơn…
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh hoàn toàn nhất trí nhận định của Hội đồng thẩm định về đồ án. Về định hướng phát triển KKT trong tương lai. Thứ trưởng lưu ý: Long An không thuộc 8 KKT được ưu tiên đầu tư, nên quá trình phát triển sẽ gặp nhiều thách thức. Do đó, tuy các giải pháp tư vấn đưa ra khá phù hợp, song cần nghiên cứu thêm, có các luận cứ để nâng cao tính khả thi cho đồ án.
Bên cạnh đó, tư vấn cũng cần chú trọng đặc thù địa bàn có tới hơn 80% đất nông nghiệp, trong đó 94% là đất trồng lúa, để Đồ án vừa phù hợp với sự phát triển của một KKT, vừa thể hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Long An nhanh chóng chỉ đạo BQL và tư vấn hoàn chỉnh Đồ án theo ý kiến đóng góp của các ban, ngành TW, để Bộ Xây dựng có cơ sở trình Chính phủ phê duyệt Đồ án trong thời gian sớm nhất.

Ngọc Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét